KHÁI QUÁT CHUNG
Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư thuộc địa bàn xã Văn
Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng được xạ từ năm 1983, đất ở đây nhiễm
phèn nặng và không thể trồng trọt. Vì vậy, tràm – loại cây có khả năng chống
chịu phèn được chọn để phủ xanh đất trống và ngăn lũ đầu nguồn. Ngày 27/05/2003
rừng tràm được công nhận là “Rừng đặc dụng – bảo vệ cảnh quan nằm trong hệ
thống rừng đặc dụng Việt Nam và vùng rừng ngập nước quanh năm tiêu biểu cho khu
vực Tây Sông Hậu”. Với diện tích 845 ha cùng cảnh quan đặc sắc trong mùa nước
nổi, Rừng Tràm Trà Sư có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập
nước tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Để tham quan Rừng Tràm Trà Sư, du
khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập nước này bằng tắc ráng và xuồng
chèo – nét đặc trưng khi nơi này đi vào hoạt động. Sau nhiều năm liền là điểm
đến sinh thái hấp dẫn, ngày 27/07/2018 Công Ty Cổ Phần Du Lịch An Giang (An
Giang Tourimex) và Ban Quản Lý Rừng phòng hộ & Đặc dụng tỉnh An Giang đã ký
kết hợp đồng “ Cho thuê môi trường tại phân khu Dịch vụ - Hành chính rừng tràm
Trà Sư” để khai thác du lịch sinh thái. Sau khi thuê khu Dịch vụ - Hành chính
159 ha, ngày 23/08/2018 Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư, Chi nhánh Công
ty Cổ phần Du lịch An Giang đã chính thức đi vào hoạt động.
NGUỒN ĐỘNG VẬT-THỰC VẬT ĐA DẠNG ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN
1. Hệ động vật: Giang Sen (Cò lạo Ấn Độ), Điêng Điểng (Cò cổ
rắn) và Dơi Chó tai ngắn là những loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt
Nam cần được giữ gìn và bảo tồn bên cạnh hệ động vật vô cùng phong phú hơn 70
loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát, 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13
loài cá chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.
2. Hệ thực vật: với hơn 140 loài đang phát triển, ngoài Tràm là
loài cây chính được trồng còn có 20 loài thân gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây
leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài
cây cảnh. Một số loài cho rau được dân địa phương lấy làm thực phẩm như đọt
choạy, nhãn lồng, dương xỉ… được nhiều du khách tìm kiếm.
CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ DU LỊCH
Sau khi tiếp nhận 159 hecta phân khu dịch vụ hành chính tại rừng
tràm Trà Sư. Công ty CP Du lịch An Giang đã quyết liệt đầu tư, nâng cấp các
hạng mục:
1. Tắc ráng: từ 11 chiếc thành 30 chiếc.
2. Xuồng chèo tay: từ 9 chiếc thành 24 chiếc.
3. Nơi duy nhất có thành phố bồ câu thu nhỏ với hơn 20 chuồng
nằm giữa cầu tàu với hàng trăm con chim bồ câu nhiều giống loài rất xinh xắn
luôn nhiệt thành chào đón du khách.
4. Hai hạng mục ở Rừng Tràm Trà Sư được XÁC LẬP KỶ LỤC Việt Nam
vào ngày 15/01/2020, đó là:
- Rừng tràm đẹp và nổi
tiếng nhất Việt Nam.
- Cầu tre trong rừng
Tràm dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 10km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ
đồng. Đã hòan thành giai đoạn 1 để đưa vào hoạt động ngày 01/01/2020 với chiều
dài gần 4km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại và kinh phí xây dựng hơn 5
tỷ đồng. Giai đoạn 2 với chiều dài cầu khoảng 6km đang được triển khai xây dựng
và dự tính sẽ đưa vào hoạt động vào 30/04/2020. Dọc tuyến cầu tre được chia
thành 5 nhánh có thiết kế chòi nghỉ tại mỗi nhánh.
5. Nhà hàng Trà Sư với khoảng 6 tum phục vụ ăn uống.
6. Quầy bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương: 12 quầy, gồm
đường thốt nốt, mật ong hoa tràm, khô các loại, nước giải khát các loại, dầu
tràm, khăn dệt thổ cẩm, nón tai bèo, nón rơm, đồ gỗ mỹ nghệ,…
7. Suối cá dọc tuyến đường, đây là một dòng suối nhỏ được làm từ
tre phù hợp sinh thái, du khách có thể mua thức ăn để cho cá ăn và ngắm nhìn cá
bơi lội.
8. Vườn địa đàng đa dạng sắc hoa.
9. Xây mới bến trung tâm và nhà điều hành.
LOẠI HÌNH DỊCH VỤ, VUI CHƠI GIẢI TRÍ
1. Chụp ảnh check-in khu bến tàu trung tâm với thành phố chim bồ
câu thu nhỏ, nhiều tiểu cảnh canh xây, bồn hoa, chậu hoa với đa dạng các loài
hoa.
2. Cầu tre tựa như “Rồng trúc bạch” là đường dẫn sinh thái
bên trong rừng tràm, du khách có thêm sự lựa chọn để khám phá rừng tràm vừa
không bị gò bó trên chiếc tắc ráng vừa có thể đi bộ để nâng cao sức khỏe.
3. Ngoài Tràm và các loài cây thân gỗ thì bèo là đại diện số 1
cho họ thủy sinh đã góp phần tạo nên thương hiệu “thiên đường xanh ngập nước”
cho Trà Sư, biến nơi đây thành điểm check-in không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi
nào khác..
4. Ẩm thực: thưởng thức các món ăn đặc sản vùng Thất Sơn với:
- Các món lẩu như lẩu
gà lá giang, lẩu mắm ăn kèm rau và bông điên điển, lẩu chua cá diêu hồng, lẩu
chua cá hú…
- Các món nướng như
chuột đồng nướng, cá lóc nướng, gà nướng,…
- Các món kho như cá
linh kho lạt, cá linh kho mía, cá hú, cá lóc và cá rô kho tộ,…
- Các món xào như điên
điển xào tép, lươn xào sả ớt, ếch xào măng,…
- Các món cơm như cơm
xào tỏi, cơm chiên, cơm trắng
- Tráng
miệng trái cây, thốt nốt,…
5. Quý khách có thể ghé qua khu bán hàng đặc sản mua về làm quà như: đường thốt nốt, mật ong, tinh dầu tràm và cá khô các loại…